Giải pháp

Chống thấm phần thân, khu dùng nước

Phần thân công trình, nhất là các kết cấu bao che dưới tác động của các yếu tố bên ngoài thường phải chịu tác động của sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm. Do đó, trong thiết kế chống thấm phần thân, để đảm bảo độ bền lâu cần đặc biệt chú ý đến quá trình trao đổi ẩm giữa kết cấu và môi trường. Ngoài ra, cần cân nhắc khả năng lão hóa của vật liệu sử dụng dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời và tác động tương hỗ của các yếu tố trên.

Để đạt được hiệu quả cao trong chống thấm phần thân và các khu dùng nước cần phối hợp hài hòa ba nguyên tắc chống thấm bao gồm ngăn chặn, thoát nước và chuyển hướng. Trong đó, nguyên tắc chuyển hướng cần được ưu tiên hàng đầu nhằm hạn chế đến mức tối đa tác động của nước lên kết cấu.

Thiết kế lớp chống thấm ngăn chặn nên ưu tiên các phương án chống thấm thuận. Lớp chống thấm bố trí tại bề mặt ngoài của tường và mặt trên của sàn các khu dùng nước, ban công, lô gia. Đối với khu vực này nên sử dụng các vật liệu gốc xi măng.

Đối với khu vệ sinh và các khu dùng nước, cần ưu tiên giải pháp thoát nước, tạo độ dốc cần thiết cho sàn. Cần tập trung vào các khu vực tiếp nối sàn – tường và các lỗ xuyên sàn. Cần sử dụng các vật liệu không co và các vật liệu xảm, có tính đàn hồi và khả năng bám dính cao. Đối với khu vực trong nhà, yêu cầu về độ bền thời tiết có thể giảm nhẹ.

Nên sử dụng sơn nhũ tương nước và các loại vữa, sơn xi măng polimer để chống thấm toàn bộ sàn khu dùng nước. Lớp chống thấm cần được thi công không những trên bề mặt sàn mà còn phải được thi công trên bề mặt tường theo toàn bộ chu vi với chiều cao vượt trên cốt hoàn thiện mặt sàn khoảng 20 cm

THIẾT KẾ CHỐNG THẤM ĐIỂN HÌNH CỦA KHU DÙNG NƯỚC